Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đồng bằng sông Hồng

Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đồng bằng sông Hồng được triển khai tại 4 tỉnh, trong đó có Nam Định đã mang lại một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong cuộc làm việc giữa các ngành hữu quan của tỉnh Nam Định với đại diện Ngân hàng Thế giới ngày 31/5, nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra, trong đó có vấn đề vốn đối ứng.

Theo bà Giám đốc dự án của Ngân hàng thế giới (WB): Dự án triển khai tại Nam Định gần 4 năm với tổng nguồn đầu tư 33,77 triệu USD (vốn WB cấp) và 10 tỷ đồng (đối ứng của tỉnh). Đến nay, qua kiểm tra thực tế, WB đưa ra quan ngại về việc dự án thiếu vốn đối ứng trầm trọng. Hơn một năm qua, dự án vẫn nợ số tiền gần 2,5 tỷ cho hoạt động này. Bên cạnh đó, việc đấu thầu các hạng mục trong dự án cũng tiết kiệm được trung bình 15% giá trị gói thầu dự kiến nên khoản tiền này nếu sử dụng để mở rộng diện đầu tư thì cũng phải có một nguồn đối ứng không nhỏ từ địa phương.

Theo ông Crit Ben, cố vấn trưởng của dự án, Nam Định đã sử dụng nguồn vốn đối ứng để giải ngân được 13 triệu USD, như vậy trong vòng 2 năm tới còn khoảng 57% nguồn vốn cần giải ngân. Bên cạnh vấn đề vốn đối ứng, ông Ben cũng đưa ra một số ý kiến về việc đảm bảo vệ sinh, chất lượng các công trình trước, trong và sau khi được đưa vào sử dụng; việc quản lý tài chính của dự án và tại Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh môi trường…

Ông Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo dự án WB tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ đảm bảo đủ vốn đối ứng như cam kết; đồng thời đẩy nhanh tiến độ sử dụng đối ứng để giải ngân vốn, đốc thúc quyết toán, thay đổi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng vấn đề vốn tiết kiệm, Nam Định đã lập dự án triển khai theo hướng mở rộng diện hoạt động của địa bàn thực hiện, đảm bảo đến tháng 6/2013 khi kết thúc dự án sẽ hoàn thành mọi thủ tục.

Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đồng bằng sông Hồng được triển khai tại Nam Định từ cuối năm 2010 qua 4 hạng mục gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh nông thôn; giáo dục thay đổi hành vi vệ sinh; nâng cao năng lực cộng đồng và các tổ chức thể chế; hỗ trợ kỹ thuật quản lý dự án. Sau 6 tháng, đã có 4 công trình cấp nước và 102 nhà vệ sinh công cộng được vận hành, đưa vào sử dụng. Dự án đã sử dụng trên 34, 5 triệu đồng vốn quay vòng cho gần 10.000 hộ vay, trong đó đã có hơn 9.600 công trình nước sạch, vệ sinh đã đưa vào sử dụng. Hơn 2.500 lượt cán bộ các cấp, ngành, công ty, cán bộ vận hành được tham gia tập huấn, đào tạo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *